Nhà khoa học của ĐH Duy Tân tham gia đồng tác giả một công bố quốc tế về COVID-19

Thảo luận trong 'Chia Sẽ Kinh Nghiệm Sửa Máy Tính Tại Nhà' bắt đầu bởi oanhoanh2211, 22/9/23.

  1. oanhoanh2211

    oanhoanh2211 Member

    Nhà khoa học của ĐH Duy Tân tham gia đồng tác giả một công bố quốc tế về COVID-19

    Tạp chí Chemical Society Reviews thuộc Hội Hóa học Hoàng gia Anh ngày 31-8-2023 đã công bố nghiên cứu “Interaction of SARS-CoV-2 with host cells and antibodies: Experiment and Simulation”.

    [​IMG]

    Công bố khoa học trên tạp chí Chemical Society Reviews



    "Interaction of SARS-CoV-2 with host cells and antibodies: Experiment and Simulation" - "Tương tác của virus SARS-CoV-2 với tế bào vật chủ và các kháng thể: Thực nghiệm và Mô phỏng". Đây là công bố của các nhà khoa học ở 2 nước Ba Lan và Việt Nam nằm trong nhóm nghiên cứu của GS.TSKH Mai Xuân Lý - Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan.



    Bài báo với tác giả đầu là Nguyễn Văn Hùng - nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan và đồng tác giả đầu là TS. Nguyễn Hoàng Linh - Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng (IFAS), Đại học (ĐH) Duy Tân, đã được đánh giá rất cao khi giúp cộng đồng nghiên cứu có một góc nhìn tổng thể về những kết quả thực nghiệm và mô phỏng mới nhất về tương tác virus - vật chủ/kháng thể của virus SARS-CoV-2.



    Tạp chí Chemical Society Reviews có IF: 46.2 vào năm 2022 với chỉ số H-index: 595, thuộc Q1 của danh sách SCIE. Đây là tạp chí có uy tín hàng đầu trong công bố các bài tổng quan thuộc lĩnh vực hóa học.



    Các bài báo được công bố trên tạp chí này bao gồm các chủ đề quan trọng và mang tính thời sự nhất trong hóa học. Để được viết bài tổng quan cho tạp chí này, các tác giả phải hoàn thành bản đề xuất và được các phản biện độc lập thông qua. Sau đó, nhóm nghiên cứu mới bắt tay vào viết bài tổng quan.



    TS. Nguyễn Hoàng Linh - Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng (IFAS), ĐH Duy Tân cho biết: "Khi nhóm trình bày bản đề xuất về một nghiên cứu tổng thể các kết quả thực nghiệm và mô phỏng mới nhất về tương tác virus - vật chủ/kháng thể của virus SARS-CoV-2, Ban biên tập tạp chí Chemical Society Reviews đã nhiệt tình ủng hộ.



    Đó là một nghiên cứu thực sự cần thiết, bởi khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào năm 2021 cũng là lúc một số lượng lớn các bài báo khoa học về khả năng xâm nhập, tốc độ lây nhiễm cùng quá trình tìm thuốc và kháng thể đặc trị SARS-CoV-2 được công bố.



    Các bài báo đã cung cấp rất nhiều thông tin nhưng lại khá phân mảnh, điều này làm cản trở các nhà khoa học mới tham gia vào hướng nghiên cứu này như bị 'lạc' vào 'ma trận' thông tin khổng lồ từ các bài báo.



    Trong khi đó, các biến thể mới xuất hiện đã đặt ra nhiều thách thức về khả năng trung hòa của kháng thể, đồng thời ở thời điểm đó các bài tổng quan chưa xét tới các kết quả mô phỏng và thực nghiệm về tương tác virus - vật chủ/kháng thể.



    Từ đó, nhóm nghiên cứu đã lên ý tưởng viết một bài báo để hệ thống lại các kết quả nghiên cứu, giúp chuẩn bị một cách tốt nhất các phương án để 'chiến đấu' với các biến thể mới nếu có xuất hiện ở tương lai."



    Công bố khoa học đã đạt được mục đích đặt ra lúc ban đầu khi cung cấp các thành tựu mới nhất của các nghiên cứu mô phỏng và thực nghiệm về các liên kết giữa tế bào vật chủ và virus SARS-CoV-2 trong quá trình virus bám vào tế bào, xâm nhập vào tế bào, virus bị kháng thể trung hòa.



    Ngoài ra, vai trò của các đột biến trong những biến thể mới giúp virus tăng cường lây nhiễm, né tránh kháng thể cũng được xét tới.



    Dựa trên công bố này, các nhà nghiên cứu về COVID-19 sẽ nắm bắt được các kết quả mới nhất để đưa ra các hướng nghiên cứu virus SARS-CoV-2 tiếp theo.



    Công bố cũng giúp mỗi người dân nhận thấy rõ COVID-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới mà nhiều đột biến của chúng vẫn chưa được hiểu rõ sẽ ảnh hưởng thế nào về độc lực và khả năng né tránh kháng thể. Vì vậy, cộng đồng không nên chủ quan với COVID-19.



    Tuy nhiên, các công cụ hiện có đã thành công trong nghiên cứu virus SARS-CoV-2 từ quá trình xâm nhập ban đầu cho tới phát triển các kháng thể chống virus, điều này cho phép chúng ta thêm phần tự tin trong việc đối đầu các biến thể mới.



    [​IMG]

    TS Nguyễn Hoàng Linh - ĐH Duy Tân, GS.TSKH Mai Xuân Lý - Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan

    và TS Nguyễn Quốc Thái - ĐH Đồng Tháp (từ phải qua trái) là các tác giả của bài báo



    Nhóm cũng đã bàn luận nhiều vấn đề thời sự mà các nhà khoa học có thể tiếp tục triển khai nghiên cứu, cụ thể:



    - Các mô hình đánh giá năng lượng liên kết giữa protein của virus và người như mô hình động lực học phân tử với tất cả nguyên tử, mô hình hạt thô và trí tuệ nhân tạo với nhiều ưu điểm và nhược điểm nên vẫn chưa có cách tiếp cận hoàn hảo, cần các nghiên cứu tiếp theo;



    - Sự xuất hiện của các thụ thể tiềm năng cho virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào vật chủ được dự đoán bởi cả thực nghiệm lẫn lý thuyết đã đặt ra vấn đề liệu các thụ thể này sẽ ảnh hưởng thế nào lên quá trình xâm nhập tế bào của virus;



    - Cơ chế tương tác giữa các thụ thể tiềm năng này và virus cũng chưa được làm rõ;



    - Quá trình dung hợp màng tế bào virus - vật chủ đóng vai trò then chốt trong sự xâm nhập của virus, nhưng sự thay đổi năng lượng tự do giữa các trạng thái trước và sau khi dung hợp chưa được đánh giá bởi cả thực nghiệm lẫn mô phỏng;



    GS.TSKH Mai Xuân Lý - Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan cho biết: "Đây là một nghiên cứu rất hữu ích có sự kết hợp của rất nhiều nhà khoa học của Ba Lan và Việt Nam cũng như nhận được sự tài trợ bởi Trung tâm Khoa học Ba Lan, Bộ Đại học và Giáo dục của Ba Lan và Đức, Viện Max Planck của Đức.



    Hiện tại, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát hoàn toàn và không còn là mối lo ngại khiến công chúng quan tâm nhiều như trước đây nhưng các biến chủng mới của COVID-19 vẫn thường xuyên xuất hiện.



    Các biến chủng mới này dù độc tính không còn thực sự nguy hiểm nhưng trong tương lai, chúng ta không thể chắc chắn rằng tất cả các biến chủng mới xuất hiện sau này sẽ không còn là mối đe dọa tới mạng sống của con người.



    Bên cạnh đó, về khía cạnh khoa học thuần túy còn nhiều vấn đề liên quan đến tương tác giữa virus và tế bào vật chủ vẫn chưa được sáng tỏ ở cấp độ nguyên tử.



    Do đó, nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ vẫn tiếp tục đầu tư tiền bạc và công sức cho mảng nghiên cứu này để tìm kiếm những giải pháp tốt hơn, an toàn hơn trong phòng ngừa COVID-19 cũng như hiểu sâu hơn bản chất của virus.



    Bài báo của chúng tôi đã tổng hợp phần lớn nội dung liên quan về COVID-19 trong cả hai hướng tiếp cận thực nghiệm và mô phỏng tính toán. Giống như một bức tranh tổng thể, sẽ cung cấp số lượng lớn kiến thức về COVID-19 giúp các nhà nghiên cứu có thể dựa vào nó để tiếp cận dễ dàng hơn, và có một cái nhìn tổng quát hơn cho công việc nghiên cứu của họ".



    TS. Nguyễn Hoàng Linh - Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng (IFAS), ĐH Duy Tân chia sẻ thêm: "Dù ở 2 nước khác nhau và làm việc hoàn toàn trực tuyến nhưng các nhà khoa học đã rất tâm huyết và thấu hiểu nhau giúp việc nghiên cứu được triển khai vô cùng thuận lợi.



    Ở ĐH Duy Tân, hiện tại tôi tập trung vào nghiên cứu cơ chế tương tác với vật chủ của virus SARS-CoV-2 bằng mô phỏng. Ngoài ra, tôi có mở rộng nghiên cứu về động lực học của chất lưu. Môi trường làm việc chuyên nghiệp ở ĐH Duy Tân rất lý tưởng cho những người làm nghiên cứu cơ bản.



    Đặc biệt, các cấp lãnh đạo rất hiểu đặc thù nghiên cứu cơ bản và luôn hỗ trợ công tác nghiên cứu, giúp cho các nghiên cứu viên tự do làm việc, trao đổi và hợp tác với đồng nghiệp trong và ngoài nước để các nghiên cứu có kết quả tốt nhất".



    (Nguồn:Nhà khoa học của ĐH Duy Tân tham gia đồng tác giả một công bố quốc tế về COVID-19)
     

Chia sẻ trang này